TÁC DỤNG CỦA ĐƯƠNG QUY
CÁC TÊN GỌI KHÁC CỦA ĐƯƠNG QUY
Đương Quy còn có tên gọi khác là tần quy, vân quy
Đương Quy có tên khoa học là Angelica sinensis (Oliv) Diels, (Angelica polymorpha Maxim.var.sinensis Oliv)
Thuộc họ Hoa tán apraceae (Umbelliferae)
Đương quy (Radix Angelicar sinensis) là rễ phơi hay sấy khô của cây đương quy
Quy là về, vì vị thuốc này có tác dụng điều khí, nuôi huyết, làm cho huyết đang loạn xạ trở về chỗ cũ do đó có tên như vậy
MÔ TẢ CÂY ĐƯƠNG QUY
Đương Quy là một loại cây nhỏ, sống lâu năm, cao chừng 40-80cm, thân màu tím có rãnh dọc.
Lá mọc so le, 2-3 lần xẻ lông chim, cuống dài 3-12cm, 3 đôi lá chét, đôi lá chét phía dưới có cuống dài, đôi lá chét phía trên đỉnh không có cuống, lá chét lại xẻ 1-2 lần nữa, mép có răng cưa, phía dưới cuống phát triển dài gần 1/2 cuống, ôm lấy thân cây.
Hoa rất nhỏ màu xanh trắng hợp thành cụm hoa hình tán kép gồm 12-40 hoa.
Quả bế có rìa màu tím nhạt. Ra hoa vào tháng 7-8
PHÂN BỐ, THU HÁI VÀ CHẾ BIẾN ĐƯƠNG QUY
Đương quy chúng ta đã trồng thành công ở Sapa tỉnh Lào Cao, tuy nhiên chưa phổ biến rộng rãi
Nhưng mới đây chúng ra đã trồng thành công đương quy ở vùng đồng bằng quanh Hà Nội do lợi dụng thời tiết lạnh của mùa rét.
Hàng năm vào mua thu gieo hạt, cuối thu đầu đông nhổ cây con cho vào hố ở dưới đất cho qua mùa đông. Qua mùa xuân lại trồng, đến mùa đông lại bảo vệ.
Đến mùa thu năm thứ 3 có thể thu hoạch. Đào rễ về cất bỏ rễ con, phơi trong nhà hoặc cho vào trong thùng, sấy lửa nhẹ, cuối cùng phơi trong mát cho khô.
Trên thị trường người ta còn phân biệt ra quy đầu là rễ chính và một bộ phận cổ rễ, quy thân hay quy thoái là phần dưới của rễ chính hoặc là rễ phụ lớn.
Quy vĩ là rễ phụ nhỏ, Đông y cho rằng tính chất của mỗi bộ phận có khác nhau. Toàn rễ cái rễ phụ được gọi là toàn quy
THÀNH PHẦN HOÁ HỌC CỦA ĐƯƠNG QUY
Trong đương quy có tinh dầu. Có tác giả đã xác định tỷ lệ tinh dầu là 0,2%, tinh dầu có tỷ trọng 0,955 ở 15 độ C, màu vàng sẫm trong: tỷ lệ axit tự do trong tinh dầu chiếm tới 40% thành phần chủ yếu của tinh dầu giống tinh dầu đương quy Nhật Bản (Dược học thông báo, 1954, trang 432 và Thực vật dược phẩm hoá học của Lâm Khải Thọ, tr.384.
TÁC DỤNG DƯỢC LÝ CỦA ĐƯƠNG QUY
Đương quy đã được nghiên cứu về mặt dược lý từ lâu. Sau đây là một số tác dụng chủ yếu
1. Tác dụng trên tử cung và các cơ trơn
Trên tử cung đương quy có 2 loại tác dụng: một loại gây kích thích và một loại gây ức chế
Theo Schmidt, Y Bác An và Trần Khắc KHôi (1924 Chinesse Med.J 38:362) thì hoạt chất chiết từ toàn bộ vị đương quy (dùng nước đun sắc hoặc rượu nhẹ độ thấm kiệt), tiêm cho chó đã gây mê (tĩnh mạch) thì thấy đối với tử cung 10 con không có chửa có 37,5% hiện tượng co, đối với chó có chửa hoặc đẻ không lâu thì 100% hiện tượng co tử cùng.
Đối với các cơ quan có cơ trơn khác như ruột, bàng quang cũng có hiện tượng đó, đồng thời huyêps áp hạ thấp và có tác dụng lợi tiểu (do tỷ lệ sacaroza cao trong thuốc). Nếu như dùng tinh thể (không có tính chất bay hơi, không có đường và kiểm tính) chiết từ đương quy ra để tiêm vào tĩnh mạch thỏ thì cũng thấy sức co bóp của tử cung tăng mạnh nhưng huyết áp không hạ thấp mà lại tăng cao. Nếu dùng tinh thể nói trên pha với dung dịch Tyrot thành 1/2.000.000 rồi thí nghiệm trên tử cung cô lập của thỏ thì cũng thấy hiện tượng co bóp kéo dài. Dung dịch pha loãng 1/100.000 cũng làm cho mẩu ruột cô lập của thỏ co bóp mạnh. Các tác giả cho rằng tính chất kích thích này do tác dụng trực tiếp trên cơ trơn
Theo Lưu Thiệu Quang, Trương Phát Sơ và Trương Diệu Đức (Trung Hoa y học tạp chí 21:611:1935) thì đã dùng tinh dầu của đương quy tiến hành 88 lần thí nghiệm trên tử cung có lập của động vật và phát hiện thấy đối với tử cung cô lập của thỏ, chó và chuột bạch (có chửa hay không có chửa) với nồng độ 1/50 có tác dụng giãn nghỉ, nhưng tác dụng nhanh và kéo dài, nếu rửa hết thuốc thì tính chất khẩn trương lại khôi phục lại như vậy chứng tỏ tinh dầu đương quy không làm tổn thương nhiều đối với cơ của tử cung. Với nồng độ 1/25 thì sự co của tử cung lập tức đình chỉ, với nồng độ 1/100 thì hơi có tác dụng giãn nghỉ. Tác dụng trên đương quy ngược lại với tác dụng của tuyến yên và của histamin, tức là sau khi tác dụng bằng atropin sunfat thì có thể xuất hiện, do đó cho rằng tác dụng của đương quy không do tác dụng trên hệ thống thần kinh mà do tác dụng trực tiếp ức chế trên cơ trơn của tử cung và do tác dụng trực tiếp trên cơ của tử cung này mà chữa bệnh thống kinh, so với atropin thì an toàn hơn.
Nhưng năm 1949 (Trung hoa y học tạp chí,35,353)) Trương Xương Triệu cho rằng xem tính chất trực tiếp ức chế cơ trơn của tử cung là đại diện cho cách tác dụng của đương quy chưa được đúng đắn.
Kinh nghiệm dùng đương quy trên lâm sàng cho biết đương quy có tác dụng làm dịu tử cung co quắp. Theo báo cáo của Dương Đại Vọng, Triệu Túc Quân (1948 Trung Hoa y học tạp chí,34:457) đã dùng đương quy chữa cho 129 bệnh nhân thống kinh (kinh nguyệt đau đớn) tất cả đã dùng 257 lần thì thấy kết quả tốt, không có triệu chứng nào không tốt, lại làm tăng sự phát dục của tử cung. Các tác giả đề xuất ra 3 loại tác dụng của đương quy.
TÁC DỤNG 1
Ức chế sự co của tử cung, làm giãn nghỉ sự căng của tử cung, trực tiếp làm cho hành kinh không đau
TÁC DỤNG 2
Do cơ tử cung co giãn nghỉ, huyết lưu thông mạnh, do đó có tác dụng cải thiện sự dinh dưỡng tại chỗ, làm cho tử cung chóng bình thương, gián tiếp chữa chứng thống kinh (thấy kinh đau đớn)
TÁC DỤNG 3
Đương quy có tác dụng làm cho ruột trơn và có thể chữa táo bón, làm giảm sung huyết vùng xương chậu do đó tham gia làm giảm đau trong lúc kinh nguyệt
Năm 1954 Ngô Bảo Sam và những người cộng tác đã báo cáo dùng đương quy mua ở Thượng Hải chế thành nước sắc, cồn thuốc, chiết ete dầu hoả, ete sunfuric, clorofoc, cồn nguyên chất và cồn 70 độ C. Với 8 loại chế phẩm đó thí nghiệm trên tử cung cô lập, tử cung tại chỗ và theo phương pháp trường diễn của Reynolds (1929) thì thấy cả 8 loại đều làm tăng tính tiết luật của tử cung cô lập thỏ, làm giảm trương lực (tonus), liều lớn thì hoàn toàn ức chế; nếu tiêm vào tĩnh mạch súc vật đã gây mê (mèo, chó, thỏ) thì thấy sự co của tử cung tại chỗ được tăng mạnh, đồng thời huyết áp hạ xuống, nếu tiêm tĩnh mạch những con thỏ theo dõi phương pháp Reynolds (mãn tính, trường diễn) thì thấy có tác dụng hưng phấn.
Dùng nước sắc đương quy với liều 300,150,30,15mg trên 10g thể trọng tiêm vào màng bụng chuột nhắt và thuốc chiết bằng ete dầu hoả với liều 200, 100,50mg trên mỗi con chuột tiêm dưới da chuột nhắt đều không thấy tác dụng của các nội tiết tố nữa.
Năm 1954 (Trung hoa y học tạp chí, 9,670-682) Lã Phú Hoa, Ngô Hy Doan và Hồng Sơn Hải báo cáo đã dùng một loại đương quy (có lẽ là Ligusticum acutilobum) chế thành thuốc sắc, cất kéo hơi nước và chiết bằng ete thí nghiệm trên tử cung cô lập, tử cung tại chỗ và trên tử cung trường diễn, cũng đi đến kết quả gần như kết quả của Ngô Bảo Sam kể trên và các tác giả đề xuất rằng đương quy có hai loại tác dụng hưng phấn và ức chế. Chất có tác dụng ức chế có trong đương quy chủ yếu nằm trong phần bay hơi được, có độ sôi 189 độ C – 210 độ C ở 5mm thuỷ ngân, thành phần này trong quá trình sắc thuốc thông thường vẫn được áp dụng trong nhân dân thường không bị bay đi nhiều. Thành phần có tác dụng hưng phấn tan trong nước, trong rượu êtylic, không tan trong ete là chất không bay hơi.
Năm 1954, Chu Nhan (Trung dược đích dược lý dữ ứng dụng) đã đề xuất rằng đương quy có 2 tác dụng: Thành phần tan trong nước, không bay hơi, có tinh thể, có tác dụng hưng phấn cơ tử cung làm cho sự co bóp tăng mạnh; thành phần bốc hơi có tác dụng ức chế cơ tử cung, làm cho tử cung giãn nghỉ, nếu muốn làm cho có tác dụng co bóp tử cung thì cần sắc thuốc có đương quy lâu để trừ bỏ bớt phần bay hơi, trái lại nếu muốn làm cho tử cung giãn nghỉ thì chỉ nên sắc rất chóng để boả vệ phần bay hơi
2. Tác dụng trên hiện tượng thiếu vitamin E
Theo Ngê Chương Kỳ (1941. Chinese J.physiol. 16; 373) dùng thức ăn thiếu vitamin E nuôi chuột trong 2-5 tháng, 100% chuột bị bệnh thiếu vitamin E với những chứng bệnh ở tinh hoàn, nếu thêm vào thức ăn 5-6% đương quy thì 38% chuột không có những triệu chứng thiếu vitamin E nữa. Các vị thuốc dâm dương hoắc, đan sâm, tục đoạn và xuyên khung cũng có tác dụng tương tự. Nghê Chương KỲ suy luận rằng nhân dân sở dĩ dùng đương quy làm thuốc an thai phải chăng có quan hệ tới loại tác dụng này
3.Tác dụng trên trung khu thần kinh
Theo sự nghiên cứu của một tác giả Nhật Bản (Tửu tinh hoà thái lang, 1933) tinh dầu của đương quy có tác dụng trấn tĩnh hoạt động của đại não lúc đầu thì hưng phấn trung khu tuỷ sống, sau tê liệt, đưa đến huyết áp hạ thấp, nhiệt độ cơ thể hạ thấp, mạch đập chậm lại và có hiện tượng co quắp, nhưng nếu tiêm dưới da thỏ thì các hiện tượng trên không rõ rệt, chỉ thấy liệt hô hấp trước, rồi đến liệt tim.
4. Tác dụng trên huyết áp và hô hấp
Theo Schmide, Y Bắc An và Trần Khắc Khôi (1924 Chinese Med.J.38, 362) tinh dầu của đương quy có tác dụng hạ huyết áp nhưng thành phần không bay hơi của đương quy lại có tính chất làm co cơ trơn ở thành mạch máu làm cho huyết áp tăng cao. Lưu Thiệu Quang, Trương Phát Sơ, Trương Diệu Đức (1935 Trung hoa y học tạp chí 21:611) đã theo dõi tác dụng của tinh dầu đương quy trên thỏ, mèo, chó đối với huyết áp và hô hấp thì thấy tuỳ theo liều lượng lớn, nhỏ tinh dầu tiêm vào mạch máu mà tác dụng có khác nhau
4.1 Liều nhỏ
Huyết áp hơi hạ thấp, hô hấp hơi bị kích thích hoặc bị ảnh hưởng rất ít
4.2 Liều trung bình
Huyết áp hạ thấp nhiều hơn, hô hấp khó khăn.
4.3 Liều lớn
Huyết áp hạ rất mạnh, hô hấp khó khắn rõ rệt, cuối cùng hô hấp ngừng lại gây chết
Tác dụng làm hô hấp khó khăn đối với thỏ ít hơn so sánh với mèo và chó, cho nên có thể nói độ độc của đương quy với huyết áp hay hô hấp rất thấp
5.T ác dụng trên cơ tim
Theo Nguỵ Liên Cơ (1950 sinh lý học báo 20(2);105-110-Trung Văn) thì tác dụng trên tim của đương quy giống tác dụng của quinidin. Thành phần chủ yếu có tác dụng này nằm trong phần tan trong ete êtylic
6.Tác dụng kháng sinh
Năm 1950, Lưu Quốc Thanh đã báo cáo nước sắc đương quy có tác dụng kháng sinh đối với trực trùng ly và tụ cầu trùng
CÔNG DỤNG VÀ LIỀU DÙNG
Theo đông y đương quy vị ngọt, cay, tính ôn. Vào 3 kinh tâm, can, tỳ, có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, nhuận táo, hoạt rường, điều huyết, thông kinh
Đương quy là một vị thuốc rất phổ thông trong đông y. Nó là đầu vị trong thuốc chữa bệnh phụ nữ, đồng thời dùng trong nhiều đơn thuốc bổ và trị bệnh khác.
Chủ yếu dùng chữa bệnh kinh nguyệt không đều, thấy kinh đau bụng, trước khi thấy kinh 7 ngày thì uống. Ngày uống 6-15g dưới dạng thuốc sắc (chia làm 2 lần uống trong ngày) hoặc dưới dạng thuốc rượu mỗi lần 10ml, ngày uống 3 lần. Uống luôn 7-14 ngày. Còn làm thuốc bổ huyết chữa thiếu máu, chân tay đau nhức và lạnh.